Thương mại điện tử năm 2016: Đại gia ngoại vào cuộc

Thương mại điện tử năm 2016: Đại gia ngoại vào cuộc

2052
CHIA SẺ

Trong năm 2016, chỉ có duy nhất trang thương mại điện tử Lingo là bị khai tử, tuy nhiên thị trường thương mại điện tử Việt Nam lại biến động rất lớn do các vụ nhượng quyền của các đại gia ngoại.

1. Lazada bị bán cho Alibaba

Tháng 4/2016, Alibaba đã công bố thỏa thuận chi khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phần trong Lazada của Rocket Internet nhằm tấn công vào thị trường Đông Nam Á trong đó có Lazada Việt Nam.
Trong tuyên bố của công ty, Alibaba cho biết họ sẽ đầu tư 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua lại cổ phần của một số cổ đông của Lazada, tổng giá trị đầu tư của Alibaba là khoảng 1 tỷ USD.

Max Bittner, Giám đốc điều hành của Lazada Group cho biết: “Thương vụ mua lại Lazada này sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh mục tiêu cung cấp cho dịch vụ mua sắm trực tuyến cho 560 triệu người tiêu dùng. Hơn nữa, việc tận dụng bí quyết và công nghệ độc đáo của Alibaba sẽ cho phép chúng tôi nhanh chóng cải thiện các dịch vụ có sẵn trên Lazada và mang đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm thật dễ dàng”.

Sau khi Lazada bị bán cho Trung Quốc, đã có thêm rất nhiều nhà cung cấp đến từ quốc gia này tham gia bán hàng trên trang Lazada Việt Nam.

2. Zalora được đại gia Thái Lan mua lại

Tương tự, “người anh em” Lazada, trang mua sắm thời trang Zalora cũng được nhượng lại cho một đại gia Thái Lan vào năm qua.

Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này lại không được “đắt giá” như Lazada khi nó được Rocket Internet bán lại cho nhà bán lẻ Thái Lan, Central Group với giá chỉ vỏn vẹn 10 triệu USD.

Được biết, Zalora đã khiến công ty mẹ Rocket Internet chịu lỗ hàng trăm triệu USD trong một vài năm qua. Dù vậy, nhưng năm 2015, doanh thu ròng của Zalora đã tăng 77,5% lên tới mốc 235 triệu USD vào năm 2015 và lỗ ròng cũng giảm xuống còn 106 triệu USD.

3. Lotte tham gia vào thương mại điện tử

Tháng 10/2016 vừa qua, đại gia Hàn Quốc Lotte cũng đã khai trương trang thương mại điện tử online Lotte.vn.


Được biết, sàn thương mại điện tử Lotte.vn là đơn vị chịu sự quản lý của  Lotte E-commerce thuộc Tập đoàn Lotte. Theo đó, 100% sản phẩm được bán trên trang thương mại điện tử là hàng hóa trong siêu thị và hàng hóa thời trang được bán tại Lotte Department Store.

4. Lingo bị khai tử

Việc các trang thương mại điện tử ra đi đã không quá “lạ lẫm” với thị trường Việt. Tuy nhiên, quyết định giải thể đột ngột của sản thương mại điện tử Lingo đã khiến nhân viên của công ty này rất bất ngờ.

Ngay sau đó, nhân viên của Lingo đã đưa thông tin lên mạng xã hội rằng công ty giải thể là do các nhà đầu tư “phủi tay”. Bằng chứng là sau cuộc họp với các nhà đầu tư, ông Phạm Kyle Anh Tuấn – người đại diện theo pháp luật của Cty Lingo – lần lượt gửi cho toàn thể nhân viên Cty các giấy tờ về việc giải thể Cty Lingo như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

Trong đó ghi rõ, quyết định giải thể DN với lý do là “do khó khăn trong kinh doanh và liên tục thua lỗ đến mức không có khả năng và triển vọng phục hồi”.

5. Hàng loạt trang thương mại điện tử mới ra đời
Năm nay, nhiều thương hiệu truyền thông, viễn thông cũng “rẽ ngang” vào mở trang thương mại điện tử. Điển hình như trang bán điện thoại, laptop của VnExpress hay trang bán đặc sản của bưu chính Viettel.

Tuy nhiên, quy mô của những sàn thương mại điện tử này còn nhỏ và chưa chiếm được thị phần đáng kể do các “ông lớn” như Adayroi, Sendo hay Lazada đã chiếm thị phần lớn.

Doanh nghiệp Việt đang làm gì?

Khi những cái tên Việt Nam dần rơi rụng, đối trọng của các doanh nghiệp thương mại điện tử ngoại nay chỉ còn 2 cái tên sáng giá: Tiki và Adayroi.

Tiki hồi đầu năm đã nhận được một khoản đầu tư khủng lên tới 384 tỷ đồng từ CTCP VNG. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tiki mới đây cũng cho thấy khả năng “đốt tiền” của mình.

Tính riêng trong quý 3, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng.

A đây rồi: A đây rồi trực thuộc mảng bán lẻ VinCommerce của Vingroup. 9 tháng đầu năm, mảng này đã lỗ tới gần 2.000 tỷ đồng, mặc dù đem lại khoản doanh thu lên tới 10.770 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Vingroup đang tái cơ cấu nhằm kết nối toàn bộ hệ thống VinCommerce. Từng hệ thống thương mại của Vingroup sẽ được kết nối với nhau và bán trên trang thương mại điện tử A đây rồi.

Thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều cửa sáng!

Đây là khẳng định của Bộ Công thương trong một cuộc họp mới đây. Đơn hàng điện tử của các doanh nghiệp đang ngày càng nhiều.

Chỉ tính riêng đơn vị lớn nhất là Lazada, đơn hàng trung bình năm 2016 của đơn vị này gấp 6 lần đơn hàng trung bình năm 2014.

Với một doanh nghiệp lớn, trung bình 1 ngày nhận 15.000 – 20.000 đơn hàng, mức tăng 600% là mức tăng rất lớn, cho thấy thị trường đang rất phát triển.

Tiki mới đây cũng cho biết lượng đơn hàng vận chuyển thành công tới tay khách đặt mua đã tăng 3-4 lần trong 1 năm trở lại đây.

Cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại đều đang chuyển mình rất mạnh. Liệu rằng năm 2017 sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường màu mỡ Việt Nam, hay sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt bứt phá?