Quảng cáo sai sự thật, Kangaroo có thể bị phạt 70 triệu đồng
1. Người tiêu dùng Việt vẫn tin vào các website có thương hiệu
Theo kết quả thu được mới đây từ báo cáo về mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào quảng cáo do Nielsen toàn cầu thực hiện, ở Đông Nam Á có tới 88% người tiêu dùng có niềm tin lớn nhất vào các khuyến nghị từ gia đình và bạn bè (truyền miệng). Ở Việt Nam, phương thức quảng cáo truyền miệng đạt mức tăng lớn nhất, tăng 8 điểm để lên tới 89%. Đặc biệt, các trang web có thương hiệu cũng là một trong số các kênh quảng cáo đáng tin tưởng nhất với mức 83% người tiêu dùng Việt có niềm tin. Tiếp đó là 75% số người trả lời khảo sát chỉ ra rằng họ tin tưởng vào các ý kiến của người tiêu dùng được đăng trực tuyến.
2. Quảng cáo sai sự thật, Kangaroo có thể bị phạt 70 triệu đồng
Kangaroo đã có quảng cáo thổi phồng sự thật đó là thiết bị lọc nước có chức năng ngăn ngừa mỡ máu. Theo luật, hành vi quảng cáo sai sự thật này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158/2014, quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Cụ thể, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với những hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng.
3. CEO Đặng Việt Dũng: “Uber giúp giảm ùn tắc chứ đâu có tăng!”
Trước những ý kiến của Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng. Ông Đặng Việt Dũng, CEO của Uber Việt Nam cho rằng:” Nhờ ứng dụng công nghệ, đối tác lái xe Uber có thể biết trước nơi có yêu cầu xe và đi đến thẳng địa điểm đón, thay vì đi lòng vòng tìm khách và đón khách gây ùn tắc giao thông. Hành khách giờ đây có thêm lựa chọn di chuyển an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý. Bằng cách sử dụng Uber, các đối tác vận tải của chúng tôi còn có thể tối đa hóa năng suất sử dụng đội xe của họ, thực hiện được nhiều chuyến đi hơn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời cho phép hành khách được hưởng mức giá công bằng hơn trong bối cảnh giá nhiên liệu đang có xu hướng hạ nhiệt.”
4. Cựu CEO Microsoft: Chả ai muốn làm việc ở Amazon cả!
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg TV, cựu CEO Microsoft đã có một phát ngôn khiến khá nhiều bất ngờ khi cho rằng Amazon thực sự là một môi trường chằng ai muốn làm việc ở đó. Cựu CEO Steve Ballmer cho rằng, tập đoàn Microsoft có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hãng bán lẻ trực tuyến Amazon về việc kêu gọi nhân tài và chỉ công ty mới đủ sức để đương đầu với Apple trên linh vực phần cứng. Ballmer nói: “Tôi nghĩ rằng đó là một nơi mà mọi người không muốn làm việc. Đó không phải là một nơi tốt để làm những công việc sáng tạo, giống như một kỹ sư thường hay làm”.
5. Google: Penguin sẽ cập nhập phiên bản mới vào cuối năm 2015
Gần đây, Gary Illyes – nhà phân tích của Google Webmaster Trends, đã đăng tải trên tài khoản Twitter rằng phiên bản mới nhất của thuật toán Penguin sẽ được ra mắt trong năm 2015. Thuật toán mới được kỳ vọng sẽ cập nhập liên tục theo thời gian thực. Do đó, sẽ không có ngày cập nhập cụ thể cho các phiên bản sau phiên bản 4.0 (phiên bản chuẩn bị được cập nhập trong thời gian tới đây). Thay vào đó, việc Google theo dõi và vô hiệu các link spam trên các trang sẽ là một phần tác động từ thuật toán Penguin. Tuy nhiên, khi các link spam được gỡ bỏ và Google đã cập nhập được hành động đó, các trang này sẽ không còn bị tác động bởi Penguin nữa.
6. Twitter tăng giới hạn số lượng tài khoản theo dõi từ 2000 lên 5000 tài khoản
Bộ phận hỗ trợ của Twitter gần đây đã ra thông báo về việc gia tăng giới hạn số lượng tài khoản theo dõi từ 2000 lên 5000 tài khoản. Cập nhập này sẽ được áp dụng với tất cả các tài khoản và đặc biệt phù hợp với những người muốn theo dõi nhiều hơn các tài khoản khác. Twitter cập nhập thêm các điều khoản và tính năng để việc theo dõi số lượng lớn tài khoản không trở thành hành động spam quá đà. Ngoài ra, Twitter đồng thời bổ sung thêm tính năng “Following” và “Unfollowing”.
7. Wal-Mart thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái
Chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart vừa công bố thử nghiệm giao hàng tận nơi, đón hàng và kiểm tra hàng tồn bằng thiết bị bay không người lái. Đâu được xem như động thái đối đầu trực diện trong công cuộc xử lý các đơn hàng trực tuyến với Amazon. Wal-Mart cho biết muốn thử nghiệm máy bay không người lái để kiểm kê hàng tại bãi đậu xe của nhà kho bằng cách sử dụng tính năng gắn thẻ điện tử và nhiều phương pháp khác. Đồng thời, hãng cũng muốn thử nghiệm giao hàng tận nhà tại khu dân cư nhỏ sau khi được sự cho phép từ những người sống trong khu vực đường bay.
8. Start-up huy động 250 triệu USD cạnh tranh với Uber
Mặc dù tới tháng 1/2016 mới chính thức đi vào hoạt động nhưng một tên tuổi mới xuất hiện mang tên Karhoo có thể mang tới cho các hãng taxi hy vọng lật ngược thế cờ khi huy động 250 triệu USD với mục tiêu cạnh tranh với Uber.Theo đó, hãng sẽ làm việc với các công ty kinh doanh taxi để cung cấp cho người dùng dịch vụ bắt xe tiện lợi hơn bằng ứng dụng cho phép so sánh giá cả và dịch vụ của các hãng taxi với sự hỗ trợ và thông tiết chi tiết từ các hãng này. Karhoo có sự đồng thuận của các công ty taxi lớn như Dial 7 Carmel (Mỹ), Addison Lee (Anh), cùng với Singapore, đây sẽ là những nơi đầu tiên bắt đầu cuộc cạnh tranh với Uber.
9. Nhân viên Facebook sẽ dùng mạng tốc độ “rùa bò”
Facebook đang phát động một sáng kiến mới mang tên “2G Tuesdays” cho văn phòng làm việc của họ. Đúng như tên gọi của nó, những kết nối siêu chậm sẽ được đem đến cho nhân viên của họ để họ có thể trải nghiệm được những gì mà một bộ phận không nhỏ khách hàng đang sử dụng hàng ngày. Với hầu hết mọi người, rõ ràng trải nghiệm sử dụng mạng với tốc độ 2G là không dễ chịu một chút nào. Ở các nước phát triển, người ta đang sử dụng những mạng kết nối 3G, 4G và thậm chí còn nhanh hơn thế. Thế nhưng mỗi ngày có hàng triệu người trên thế giới đang phải sử dụng kết nối 2G – thứ có thể khiến bạn mất hơn 2 phút cho mỗi lần tải web.
10. Alibaba: Tăng trưởng trong suy thoái nhờ doanh số bán hàng qua di động
Alibaba cho biết doanh thu quý này đạt 3,5 tỷ USD, tương ứng mức tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch (Gross Merchandise Volume – GMV) là 112 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ năm trước). Điều đáng nói là sự tăng trưởng có phần điên rồ với giao dịch từ di động. Trong quý này, GMV các mặt hàng giao dịch qua di động của Alibaba là 69 tỷ USD, tăng tới 121% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo không có những con số doanh thu và lợi nhuận đủ gây “sốc” nhưng cho các nhà đầu tư thấy được mức tăng trưởng không nhanh mà ổn định của Alibaba dù tình hình kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Sau khi báo cáo phát hành, giá trị cổ phiếu của Alibaba đã tăng 9% so với tuần trước đó, đạt 82 USD/cổ phiếu.